Lazy corner

Một nơi cho mình thỏa sức viết những gì mình muốn viết

  • Thu Hien Nguyen

  • Quote

    Nhạn quá trường không
    Ảnh trầm hàm thủy
    Nhạn vô lưu tích chi ý
    Thủy vô lưu ảnh chi tâm
    - Hương Hải Thiền Sư

  • Lịch

    April 2024
    M T W T F S S
    1234567
    891011121314
    15161718192021
    22232425262728
    2930  
  • Nhập email để đăng ký blog và nhận thông báo qua email

    Join 22 other subscribers

Archive for the ‘Short stories’ Category

Má, con và .. – Nguyễn Ngọc Tư

Posted by thuhiennt on March 7, 2010

Tôi nghĩ, đôi khi vô tình tôi làm má buồn.

Như chiều qua, tôi nói lúc này tóc con bị rụng quá trời, coi trên internet người ta dạy mua thuốc này thuốc này sẽ bớt. Hay hôm kia khi giỡn với nhóc con, phát hiện ra lưỡi nó bị nấm đóng dày, tôi mở máy tính, xong gật gù, trên mạng người ta kêu mua thuốc x thuốc y, hoặc hái lá a, lá b giã lấy nước rơ lưỡi, nhóc sẽ khỏi.

Có lần tôi khoe vài bí quyết nấu ăn, cách chọn gà ngon, má ngạc nhiên, mèn ơi trên mạng có đủ thứ hết trơn hả ? Tôi cười khoái chí, gì cũng có má à, trên trời dưới đất, muốn biết gì cứ gõ vài ba chữ là mạng cho mình biết tuốt. Má nói ngộ quá, cái mạng là cái gì mà hay dữ ta. Giọng má không một chút ngậm ngùi nhưng bỗng dưng tôi nghĩ má ngậm ngùi.

Là vì má đang ở bên tôi, nhưng khi bối rối và ngơ ngác tôi đã không hỏi má. Sống bảy chục năm dài, trải qua bao nhiêu biến cố, má vén khéo đảm đang, chèo chống gia đình nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, phải nói là má biết nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi không hỏi má, tôi chạy tới internet, gọi “vừng ơi…”, và đôi lúc khoe khoang những kiến thức mà má đã “rành sáu câu” rồi.

Một phần ý nghĩa của mối quan hệ già – trẻ (hay má – con) là cho – nhận, dạy – học… nhưng giá trị đó đang ít nhiều thay đổi. Sự mất mát rất từ tốn không nhận biết ngay được, cho đến khi đủ lớn và sâu, người ta mới giật mình, sực nhớ ra lúc này mình nói bằng ngón tay nhiều hơn bằng miệng, nhìn màn hình máy tính hay điện thoại nhiều hơn nhìn người. Sực nhớ có thể má đã buồn, má sống nhiều nhưng những trải nghiệm mà má đang gìn giữ, tôi không ngó ngàng tới.

Như thể tôi là tôi khác, không phải con bé đen nhẻm hồi lên bảy lên mười, đi vào cuộc đời bằng cánh cửa do má mở, suốt ngày lẽo đẽo theo chân má, để hỏi má ơi cái kia để làm gì, má ơi cái này tại sao… Ngày tôi về nhà chồng, má không dám đi đâu, suốt ngày chờ bên điện thoại, vì tôi hay gọi về hỏi, má ơi kho cá bằng muối hay nước mắm, nấu canh chua bằng me hay bằng giấm, con lỡ làm cơm khét rồi, giờ biết làm sao ?

Hồi đó má ở xa chỗ tôi chừng mười lăm cây số, nhưng má chỉ cách tôi một hồi chuông điện thoại. Băn khoăn chút chút, nghi ngại chút chút, lo lắng chút chút… tôi lại nghĩ tới má. Và má luôn có câu trả lời. Như bà ngoại luôn có câu trả lời cho má. Như bà cố luôn có câu trả lời cho ngoại. Người ta cứ sống vậy, già rót đầy cho trẻ, đi trước dẫn đường cho đi sau, tưởng đâu nối tiếp hoài hoài.

Nhưng khi nền tảng ứng xử giữa người và người lung lay bởi quá nhiều phương tiện hiện đại, tôi cũng buông lơi bàn tay má. Ngụp lặn trong biển thông tin mà tôi tin với chúng, tôi sẽ xử lý tốt mọi tình huống xảy ra với cuộc đời mình. Tôi quên, má không biết nơi lạnh nhất vũ trụ nhưng má có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con lớn mau. Má không biết cách diệt virus máy tính nhưng bẫy chuột là số một. Má không biết viết blog nhưng nấu ăn rất ngon. Nhưng tôi quên. Má, như những người già khác, đôi lúc nào buồn tênh trong ý nghĩ mình đang sống thừa, tàn lụi không tăm tích.

Tôi còn giữ hình ảnh những người già nước Hàn xa xôi mà tôi đã từng gặp mặt. Những ông bà già buồn rượi, lặng lẽ. Vật vờ như bóng, lắt lay như khói. Anh bạn của tôi nói đất nước anh càng phát triển càng hiện đại thì người già càng cô độc, hai thế hệ già – trẻ hầu như không còn chuyện gì chung để nói với nhau. Khi chụp ảnh những gương mặt sầu muộn đó, tôi luôn nhớ tới má, thầm so sánh và khoái chí vì má gọn gàng lanh lợi hơn họ, má tươi tắn vui vẻ hơn họ, dù má nghèo, thiếu thốn hơn họ.

Nhưng giờ tôi biết má cũng buồn, bởi nhiều lúc tôi bỏ bà một mình ở nơi cũ, thời gian cũ để một mình tôi đi vào thế giới ảo đầy quyến rũ. Không cần nỗi lực lớn nào, không cần với tay cao, cũng có thể hái được trái. Nó sẵn sàng xoa dịu, đưa ra những lời khuyên khi tôi than vãn đầu gối tôi mỏi, con mắt tôi bỗng nhiên mờ, vùng thắt lưng nghe nhói, cái đầu đau…

Riêng trái tim thường chẳng hết đau nếu chỉ nhận được những lời an ủi thao thao, bạn hãy quên bạn hãy vui, phải này phải kia… nên có lần đem trái tim đau lên mạng thở than, chớ hề nhận được cái khăn lau nước mắt. Những lúc đó nhớ má quá …

Không biết, khi tôi đi rất xa và quay lại, thời gian còn cho má bao dung đứng chờ ?!!

—————————–

Source: từ blog của tác giả http://ngngtu.blogspot.com/2009/09/ma-con-va.html

PS: khóc rồi nè ..

Posted in Short stories | Leave a Comment »

Con trai. Và má .. – Nguyễn Ngọc Tư

Posted by thuhiennt on March 5, 2010

Tết năm kia bạn tham gia một vở ca kịch mừng giao thừa trên quảng trường. Chương trình được truyền hình trực tiếp, má bạn coi ti vi thấy vậy liền lấy điện thoại gọi lúc vở diễn đang giữa chừng, nói tết nhất rồi bây còn vẽ mặt hề ca hát chi nữa, thay áo xống đi. Về ! Bạn xoa cái bụng ông Địa độn vải chang bang của mình, nói chờ con chút nữa má ơi. Sau, lúc kể với tôi bạn nói, “thì dặn cho có vậy, chớ bà già tao chờ tao tới suốt đời”. Tết đó bạn bốn mươi ba tuổi.

Tôi với bạn không thân, có khi cả tuần mới ngồi chung nhau ở bàn, ở nơi gần như duy nhất là quán cà phê Văn nghệ. Nhưng tôi quen má của bạn, một bà già tuổi trên bảy mươi, đẹp người. Mỗi tháng bà ăn chay bốn ngày. Bà bị say xe, đi Sài Gòn lần nào cũng gọt củ sắn đem theo nhai cho đỡ nhộn nhạo trong ruột. Buổi sáng đi chợ thay vì vô tiệm phở bà chỉ ăn nắm xôi, hay một ổ bánh mì trơn, số tiền còn lại bà chắt mót bỏ ống cho bạn cất nhà. Bà có cái đầu tóc mượn làm tóc rụng của mình, chính mình nhặt nhạnh. Đôi lúc đọc mấy mẫu chuyện con con bạn viết, truyện nào cũng có nhân vật má, bà kêu kiếm gì đó viết nhắc tới ba bây, kẻo ổng buồn.

Tôi chưa gặp bà má đó lần nào, những gì tôi biết đều do bạn kể. Ngoài cà phê đá, sữa đậu nành… ngồi với bạn, tôi được thưởng thức thêm món “bà già tao…”. Như một ám ảnh. Ngọt ngào. Quán nằm giữa lòng thành phố, nhưng có khi bạn làm tôi thấy bóng người đàn bà ngồi câu cá chốt giấy làm khô gởi ra chợ cho con, bà hái bông so đũa về nấu chua với cá rô đồng. Tôi thấy bà ngồi trong bếp, thêm lửa cho đáy nồi dày cơm cháy (món này bạn khoái). Những ngày Tết bà hay lảng vảng gần chỗ mấy đứa con chơi bài cào, hóng coi coi đứa nào thua nhiều, bà lén luồn tiền cho nó.

Và bạn luôn là người thua nhiều nhất. Bà má bận lòng với bạn nhất. Lần nào về trong mớ hành lý của bạn cũng nhồi nhét bao nhiêu là quần áo quăn queo, má lục lọi ra, ôm đi ủi. Qua cửa là bà ngó từ trên xuống dưới, lúc bảo cạo râu bớt đi lúc chê tóc dài quá phủ cả lổ tai, mà để móng tay chi dài thượt thiệt ngứa con mắt. Bạn hí hửng, bị rầy mà vô cùng hí hửng, má càm ràm bạn coi bằng như má hát ru vậy.

Bạn không bao giờ nói kiểu như tao thương má, nhớ má lắm lắm. Tình cảm của bạn đặt vào những câu chuyện, những ký ức, những kỷ niệm có thể đã củ kỹ rồi hoặc còn tươi rói mới hôm qua, lần về thăm nhà gần nhất. Nơi bạn sống cách nhà sáu mươi cây số, lâu lắc vài ba tháng bạn mới về một lần, nhưng cảm giác bạn chưa bao giờ bỏ má đi đâu quá một ngày. Lá bay ngoài đường rơi bạn mơ màng “bà già tao tầm bốn giờ sáng là xách chổi đi quét lá ngoài sân…”. Một người bán quà rong đi ngang qua bạn chép miệng, “bà già tao ưa bánh phồng nếp nướng…”. Ngồi trong quán ngó trời mưa, mà mắt bạn ngậm sương như thể trước mặt thấp thoáng dáng một người phụ nữ đang súc rửa mấy cái lu, đắp đất be quanh nền nhà chống ngập, lấy tấm cao su căng che cho mùng con khỏi dột.

Bạn là họa sỹ, kiêm viết văn xuôi, làm thơ kiêm diễn viên, và ca vọng cổ nghe cũng mùi. Chữ của bạn luôn có hình ảnh bà mẹ tần tảo với đầu tóc mượn xức dầu dừa, kim tây cài miệng túi áo, chân đi dép Lào, nồng mùi dầu gió. Nhưng khi vẽ, hiện diện trên tranh bạn nhiều nhất là trẻ con. Những đứa trẻ đang giỡn đang chơi, xúm xít với nhau hồn nhiên ngước mặt ngó trời, bình an và nhẹ nhỏm. Như thể khung tranh đã che khuất bà mẹ chúng đang ở gần đâu đó, đang bao dung dõi theo, ngó chừng bảo bọc cho, tôi có cảm giác đó. Nhưng cảm giác cũng đầy chủ quan, tôi bị ám ảnh bởi thứ tình cảm kỳ lạ mà bạn dành cho má, đôi khi chỉ vì một lần giọng bạn trở nên thảng thốt, “bà già tao nằm đau ở Sài Gòn…”

Đôi khi, tôi học từ những câu chuyện thảng hoặc, nhát gừng, vô chừng của bạn cách làm mẹ, làm con. Và cũng có lúc tôi hơi nghi ngờ, không biết chi tiết này câu chuyện kia có thật không. Nhưng điều đó không quan trọng, dù bạn viết truyện ngắn bằng lời, thì ba chữ “bà già tao…” từ cái miệng râu ria rậm rạp của bạn cũng lan ấm áp rung cảm sang tôi.

Bạn kể, má sinh bạn khi thai chưa đầy bảy tháng. Sinh non. Èo uột, bạn được nuôi dưỡng trong bệnh viện cho tới khi về nhà má đã mang bầu đứa nữa. Đứa trẻ chưa được ôm ấp bao nhiêu thì nhường vòng tay mẹ cho em. Câu chuyện đó nhen trong tôi một cảm giác lạ lùng, biết đâu bạn nuôi dưỡng trong mình một tình mẫu tử cực kỳ phức tạp, ngay từ lúc bé thơ, mà tôi chưa hiểu thấu. Và những sớm mai, tôi biết bạn hay trông tôi tới, bởi tôi luôn chăm chú ngồi nghe bạn nhắc “bà già tao…” với tất cả háo hức, tò mò. Là người viết, tôi mong giải mã một tình cảm hơi kỳ lạ, người ta vẫn thường thương má, nhưng ít ai thương ám ảnh kiểu như bạn.

Đến nỗi, tôi đoán chừng bạn không lấy vợ vì chưa tìm được người phụ nữ nào giống như má bạn. Và bạn còn nghèo má bạn còn mãi xót xa. Bạn còn lông bông văn nghệ văn gừng là má bạn còn cằn nhằn rầy la… Dường như bằng cách này bạn giành lấy tình thương của má, khi trót sinh ra dưới một mái nhà đông anh chị em. Má ở đầu nguồn, nên bạn mãi là con cá lìm kìm suốt đời bơi ngược nước ?

Ai đó sẽ nói rằng bạn ích kỷ, chỉ nghĩ tới bản thân mình, nhưng dường như quyền phán xét chỉ thuộc về người mẹ. Biết đâu bà cảm thấy vui, an ủi, khi những đứa con lớn khôn đã lần lượt rời khỏi tầm với của bà, chỉ bạn là mãi loay hoay, lẩn quẩn vướng quanh chân. Ứ hự cái thằng nghề nghiệp lêu bêu, chưa vợ, chưa nhà cửa…

Source: từ facebook của bạn Khoa http://www.facebook.com/note.php?note_id=341316168561#!/note.php?note_id=375112885850&ref=mf

Posted in Short stories | Leave a Comment »

Dột từ nước mắt – Nguyễn Ngọc Tư

Posted by thuhiennt on February 13, 2010

Chú rể điện thoại cho tui, hỏi bữa đám cưới em chị có thấy cô nào vừa khóc vừa chạy đi không. Tui nói có, mà ai ở trong tiệc cưới hôm đó cũng thấy, vì đang lúc làm lễ người nào cũng chăm chú coi, tự dưng có một cô đứng dậy khóc hức lên, ôm đứa con nít bỏ chạy ra ngoài. Vậy chị biết cô đó là ai không, chú rể hỏi dồn, em bị cổ hại thê thảm lắm rồi.

Cuộc điện thoại diễn ra vào cuối tuần trăng mật. Người bị hại gọi cho bạn bè để hỏi ai… hại cậu ta. Câu trả lời nhận được khá mờ mịt, bàn cô ấy ngồi gần cửa ra vào, cô xốc đứa bé lên chạy cũng nhanh, chỉ nhớ tóc hơi dài, xoăn thả xuống cái lưng nhỏ nhắn, áo váy xanh xanh chấp chới ngoài nắng, rối mất hút, rồi neo cặm lại bao nhiêu là dấu hỏi, ai, sao mà khóc, ai làm cho khóc, mắc mớ gì khóc… Ngơ ngác ngó nhau, không ai giải thích được, bèn bỏ qua chuyện đó để… ăn tiệc.

Nhưng có một người không thể quên được, không thể nguôi ngoai. Cô dâu suốt một tuần trăng ngọt ngào lúc nào cũng hỏi, sao người đó khóc, rồi không quan tâm chồng giải thích sao, nghiến răng kêu oan sao, tân nương nước mắt ngắn dài. Chú rể mệt mỏi, “em phải tìm cho được cái người vô duyên đó, chị à, tự dưng vô đám cưới người ta mà khóc lóc…”.

Tui cười dù biết thằng em bà con của tui ở đầu dây bên kia đang mếu, nó sẽ phải lật tung xốc xới gọi cho gần năm trăm người, may ra có ai đó ngồi chung bàn với người đã khóc, may nữa thì họ sẽ biết cô là ai. Tui mắc cười vì hình dung ra vài kết quả, cô kia có thể khóc bởi… đau đầu. Có thể khung cảnh tiệc cưới diễn ra giống như tiệc cưới của cô, nhưng cuộc hôn nhân đó vừa tan vỡ, vết thương chưa lành. Hoặc anh chồng đi công tác xa dài ngày, nên cô nhớ. Có thể cô chưa từng làm cô dâu trong một tiệc cưới nào, nên cô tủi buồn khi thấy người ta xênh xang xiêm áo. Có thể anh chàng nào đó đã bỏ trốn khi cô mang thai đứa bé. Mà, đứa bé chắc gì là con cô, cô dắt thằng cháu theo vì mẹ nó vắng nhà.

Tất cả đều có thể, nhưng tất cả đều không thể, vì câu chuyện của cô dâu kém mơ mộng hơn : người phụ nữ, đứa trẻ phải có liên quan tới chồng mình, nên họ mới đau đớn như vậy, trong ngày cưới. Trí tưởng tượng tràn đầy trong khi lòng tin thì cạn, thằng em mô tả cô vợ mới cưới của mình với chút buồn bã.

Và hoang mang. Bởi trên đời hay xảy ra nhiều chuyện cực kỳ… lảng nhách, vô duyên hơn, thí dụ như sẽ có vài cuộc điện thoại ở nhà reo mà nàng a lô thì bên kia nín thinh, lụp cụp cúp máy. Thí dụ như có cô hớt hãi báo tin, anh ơi em có thai rồi trước khi nhận ra mình nhầm số, nhưng nàng đã kịp nghe, kịp nghĩ, bên kia có thật là nhầm. Thí dụ như cái điện thoại báo “pin yếu” mà nàng cứ tưởng cô… Phi Yến nào đó thập thò tìm chàng.

Cứ vậy, chuyện ở đâu trên trời rơi xuống, làm mái nhà hạnh phúc nhiều khi dột ướt loi ngoi. Cái viễn cảnh mệt mỏi này mở ra một chân trời mơ hồ u ám. Thằng em tui bắt đầu cảm nhận được. Và chỗ dột đầu tiên là từ cô nàng nào tới khóc trong đám cưới của nó, từ đó, ướt loang ra…

Cố gắng cho thằng nhỏ chút hồ hởi trước khi cúp máy, tui bảo, “chị tin em mà…”. Mà sao nghe như tui đang thở dài, tui tin thì được gì, người yêu nhau mới cần tin nhau. Thật ra, tui suýt buột miệng, “sao tui nghi quá, đâu nhớ lại kỹ coi, thật là không có gì ??!!”.

Nước mắt ấy không tin không được.

(Nguyễn Ngọc Tư)

PS: Truyện được copy từ blog của bạn Khoa, giờ Yahoo 360 đóng cửa rồi nên mất link.  Đọc đã thấy ấn tượng liền.

Posted in Short stories | Leave a Comment »