Lazy corner

Một nơi cho mình thỏa sức viết những gì mình muốn viết

  • Thu Hien Nguyen

  • Quote

    Nhạn quá trường không
    Ảnh trầm hàm thủy
    Nhạn vô lưu tích chi ý
    Thủy vô lưu ảnh chi tâm
    - Hương Hải Thiền Sư

  • Lịch

    February 2010
    M T W T F S S
    1234567
    891011121314
    15161718192021
    22232425262728
  • Nhập email để đăng ký blog và nhận thông báo qua email

    Join 22 other subscribers

Đọc Superfreakonomics và suy nghĩ …

Posted by thuhiennt on February 5, 2010

Gần chỗ văn phòng của Hiền có cái vòi hứng nước uống .. và cái vòi đó ko hiểu sao ở ngay giữa 2 cái toilet, bên tay phải là toilet nữ và bên tay trái là toilet nam. Một ngày nọ, bạn Hiền ra đó đứng hứng nước vào chai để mang về phòng uống. Đương nhiên toilet thì phải có người đi ra đi vô, tính mình cũng nhiều chuyện, hay ngước lên nhìn coi ai đi ra đi vô 😀 Đột nhiên nhận ra .. cửa toilet nữ là dạng cửa đẩy vào, và cửa toilet nam là dạng cửa kéo ra. Ái chà, sao ngộ vậy ta .. rồi 2 suy nghĩ sau đến nhanh như gió, ko kịp hiểu sao mình lại nghĩ vậy

– Nếu mà là Malcolm Gladwell thì ông sẽ giải thích tại sao toilet nữ dùng cửa đẩy vào và toilet nam dùng cửa kéo ra.

– Nếu mà là Steven Levitt and Stephen Dubnet thì họ sẽ kể tại sao cách thiết kế 2 cửa này chỉ đáp ứng được khoảng 80% lý do thật sự của việc thiết kế, và sẽ giới thiệu một cách thiết kế khác gọn hơn, nhanh hơn và rẻ tiền hơn cách này.

(Note: con số 80% là do Hiền chế :-P)

Nói vậy để cho mọi người dễ hình dung sự khác nhau, và giống nhau trong sách của hai tác giả. Một tuần Hiền đọc liên tục hai quyển “What the Dog Saw” và “Superfreakonomics”, quyển nào cũng chỉ đọc xong trong 2, 3 ngày nên Hiền, hơn ai hết, cần sự phân biệt cho mình khỏi lẫn lộn. Công bằng mà nói thì Hiền thấy mình có vẻ hợp với quyển Superfreakonomics hơn. Lý do tại sao thì từ từ sẽ nói sau.

Superfreakonomics - Steven Levitt và Stephen Dubner

Đoạn đầu tiên của quyển sách như sau. “Đã đến lúc phải thú nhận rằng trong quyển sách đầu tiên (Freakonomics) của chúng tôi, chúng tôi đã nói dối. .. Lời nói dối đầu tiên nằm ở phần giới thiệu, khi chúng tôi ghi rằng quyển sách này ko có một chủ đề thống nhất. .. Sự thật như sau, nhà xuất bản của chúng tôi, sau khi đọc bản nháp đầu tiên đã la lên “Quyển này chẳng có chủ đề thống nhất gì cả”. Bản thảo là một đống hỗn loạn những câu chuyện về giáo viên gian lận, về những tay môi giới nhà đất trục lợi cho mình, và về những cậu bé bán ma túy. Hoàn toàn không có một cơ sở lý thuyết nằm sau những câu chuyện này để làm cho giá trị của chúng tăng lên .. Nhà xuất bản còn lo lắng hơn khi chúng tôi đưa ra tựa đề quyển sách: Freakonomics. Thậm chí qua điện thoại, bạn có thể nghe được tiếng lòng bàn tay đập vào trán: Hai đứa khùng này vừa giao một bản thảo không có một chủ đề thống nhất với một cái tựa đề tự chế nhảm nhí.”

Quyển “Superfreakonomics” hoàn toàn trung thành với vai trò là quyển follow-up của quyển “Freakonomics” .. cùng 1 cách phân tích vấn đề, cùng 1 giới hạn của vấn đề (gói gọn trong microeconomics) và cùng 1 kiểu đưa ra kết luận bất ngờ. Nó là những câu chuyện, hiện tượng khác nhau trong cuộc sống, đôi khi gần gũi đến mức mình ko để tâm, nhưng tất cả xoay quanh một nội dung duy nhất: Con người phản ứng theo động cơ được trao (People respond to incentives)

Như câu chuyện về những giáo viên gian lận .. họ gian lận khi bang/thành phố/trường đặt chỉ tiêu là phải bao nhiêu đó phần trăm sinh viên trong lớp họ đặt được điểm tốt trong kỳ thi đánh giá cuối năm, nếu họ đạt được thì tăng lương, tăng chức, còn nếu họ ko đạt được thì bị kiểm điểm hoặc mất việc. Khi những trò gian lận như giao cho học sinh đề thi trước 1 ngày, đọc cho học sinh lời giải trong lúc thi đã trở nên quá quen thuộc và dễ bị khám phá, họ quay sang gian lận bằng cách sửa đáp án của học sinh trước khi giao lại cho giáo viên phụ trách chấm. Và sửa đáp án cho ko bị phát hiện cũng là một nghệ thuật.

Tự đặt câu hỏi: Gái đứng đường (street prostitute) giống ông già Noel trong mấy khu thương mại ở chỗ nào?

Prostitution .. loại hình kinh doanh của nó luôn rất đơn giản .. từ thời xa xưa đến nay, đàn ông luôn muốn nhiều sex hơn là họ có thể đạt được free. Vì vậy, xuất hiện một nguồn cung phụ nữ, với một giá hợp lý, sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu này. Âu thì cũng là có cầu thì mới có cung.

(Bởi vậy, bó tay với ai đó trên WTT mà dám nói tại mấy cô đó nên chồng họ mới đi bia ôm, mát xa).

Nghiên cứu cho thấy, cách đây khoảng 100 năm, tiền lương trung bình hàng năm của 1 cô prostitute ở Chicago là khoảng $400 1 tuần theo tỉ giá bây giờ (nghĩa là khoảng $430,000 1 năm .. wow). Sở dĩ họ đòi tiền cao vậy là vì khi chính phủ quyết định prostitution là phạm pháp và bắt bỏ tù prostitute, vô hình chung, chính phủ làm khan hiếm nguồn cung. Khi nguồn cung giảm thì giá tăng!  Lý do khác là nỗi lo bị bắt cộng với định kiến của xã hội về nghề này khiến cho tiền “lương” của prostitute phải đủ cao để lôi cuốn họ vào nghề, thỏa mãn nhu cầu thị trường.

Thời hiện tại .. lương 1 tuần của prostitute là khoảng $350, mà trung bình $20 trong số đó là tiền mấy cô ăn trộm được từ khách hàng, ít hơn khá nhiều so với thời cách đây 100 năm. Tại sao như vậy? Đương nhiên là tại vì cầu giảm .. cầu giảm ko có nghĩa là cầu về sex giảm. Cũng giống như bất cứ ngành công nghiệp nào khác, prostitution cũng bị áp lực của cạnh tranh. Trong thời bây giờ thì ai là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của prostitute? Là bất cứ phụ nữ nào sẵn sàng have sex for free.

Nói tiếp .. thời buổi càng ngày càng khó khăn, prostitute ở khu Washington Park ở Chicago kiếm được tiền ít nhất so với bất cứ prostitute nào khác trong khảo sát. Bởi vậy mình có thể nghĩ .. nếu ít tiền vậy thì thà làm cái gì đó khác chứ làm prostitute làm chi. Nhưng một đặc điểm của nền kinh tế thị trường là luôn có một mức giá mà thậm chí một nghề tệ nhất có thể nghĩ được cũng đáng làm. Những người phụ nữ đó đã nghèo khổ lắm rồi, nhưng họ sẽ còn khổ hơn nếu ko làm prostitute. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng vào lễ Độc lập 4/7 hàng năm, nhu cầu cho prostitute luôn tăng đột biến d0 lượng khách đổ về khu công viên đê gặp gỡ gia đình, bạn bè, và parties. Và trong thời gian đó, các prostitutes xử trí như bất cứ một nhà kinh doanh giỏi nào cũng sẽ làm: họ tăng giá lên 30% và làm việc ngoài giờ nhiều cho đến khi họ còn chịu đựng nổi. Đáng chú ý hơn là việc gia tăng nhu cầu còn thu hút một loại prostitute khác – loại đã bỏ nghề cả năm, nhưng nay trước thời cao điểm với giá cả tốt, ngưng công việc họ đang làm và trở về với prostitution, để rồi sau mùa cao điểm lại quay trở lại làm ăn lương thiện.

Bởi vậy, trả lời cho câu hỏi trên .. prostitute và ông già Noel giống nhau ở chỗ là họ đều biết tận dụng những cơ hội việc làm ngắn hạn tạo ra bởi nhu cầu gia tăng do hội hè.

Sau đây là đoạn Hiền thích nhất: Con người có lòng bác ái/vì người quên mình (altruism) không?

Với nhà kinh tế học Gary Becker, lòng bác ái của con người là một chủ đề nghiên cứu khá thú vị và gây nhiều tranh cãi. Ví dụ như một người có thể rất ích kỷ trong công việc nhưng lại cực kỳ bác ái với những người họ quen biết. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng lòng bác ái thậm chí trong một gia đình luôn có yếu tố thời cơ. Ông nhận thấy được rằng một vị ba/mẹ già ở viện dưỡng lão được con cái ghé thăm nhiều hơn nếu chúng đang chờ có được của thừa kế đáng kể.

Nhưng .. lỡ con cái của những gia đình giàu có được giáo dục tốt hơn nên quan tâm hơn đến ba mẹ già thì sao?

Ah, vậy thì nghiên cứu tần số thăm ba mẹ của những gia đình con một. Các nhà nghiên cứu ko hề thấy sự gia tăng tần số này với những gia đình con một, hiện tượng này chỉ xảy ra với những gia đình có từ 2 người con trở lên. Vì vậy, lòng bác ái trong gia đình có thể chỉ là cái giá phải trả trước cho món thừa kế.

Tuy vậy, dường như con người thật sự rất thương người, ko chỉ trong phạm vi gia đình họ. Người Mỹ đặc biệt nổi tiếng thương người, hàng năm họ chi khoảng $300 tỉ cho từ thiện, 2% GDP quốc gia. Hãy nhớ lại cơn bão hay trận động đất mới nhất và ngay lập tức, người và tiền khắp nơi đổ về ko chút do dự.

Nhưng tại sao? Tại sao con người lại thương người?

Các nhà kinh tế học cổ điển thường cho rằng một con người tiêu biểu thường ra những quyết định có suy tính phù hợp với lợi ích của riêng cá nhân họ. Vì vậy, tại sao anh chàng này – thường được gọi là Homo economicus, lại cho đi những đồng tiền mình khó nhọc kiếm được cho một người anh ta ko quen biết ở một nơi mà anh ta còn ko biết đọc để ko được gì ngoài một cảm giác ấm áp khó gọi tên?

Dựa trên các nghiên cứu của Gary Becker, các nhà khoa học bắt đầu cố gắng tìm hiểu về lòng thương người theo diện rộng. Nhưng thật ko dễ. Làm sao chúng ta biết được một hành động là thương người, hay đơn thuần là vị kỷ? Nếu bạn giúp người hàng xóm xây lại nhà kho, điều đó là vì bạn là một người đáng kính hay chỉ bởi vì bạn sợ rằng nhà kho của bạn sẽ có lúc bị cháy và bạn sẽ cần sự giúp đỡ lại? Khi một nhà tài trợ bỏ tiền cho trường cũ của mình, đó là vì ông quan tâm đến việc truyền bá kiến thức, hay bởi vì tên ông sẽ được đặt cho sân vận động của trường?

Vì quá khó để đo lường được lòng bác ái trong đời sống thật, các nhà khoa học quyết định mang vấn đề vào trong phòng thí nghiệm để xem xét.

Thử tưởng tượng một trò chơi cực kỳ đơn giản như sau. Hiền cho bạn 2 lựa chọn .. 1 là Hiền đưa cho bạn $5 và người bạn bên cạnh bạn $4, lựa chọn thứ 2 là Hiền sẽ đưa cho bạn $5 và người bạn kia $3. Về mặt lý thuyết, lựa chọn nào đối với bạn cũng là như nhau, vì bạn đều nhận được $5. Nhưng nếu bạn chọn giải pháp đầu tiên (nghĩa là bạn muốn người bạn mình được nhiều tiền hơn) thì bạn có lòng bác ái. Nếu mang trò chơi này nhân rộng ra dân số thì ta có thể biết được bao nhiêu % người có lòng thương người hay ko?

Đây là trò chơi Hiền tự nghĩ ra sáng nay, sau khi đọc quyển sách này và học xong phần Game Theory trong lớp Microeconomics. Đã confirm lại cơ chế của trò chơi này với cô giáo trong lớp.

Trò chơi mà các nhà khoa học dùng trong sách hơi khác hơn xíu. Người chơi được giao cho $20 và có 2 lựa chọn, hoặc là bạn đưa cho một người ko quen biết $10, giữ lại $10 hoặc là đưa chỉ $2 và giữ lại tới $18. 75% người chơi chọn cách đầu tiên, nghĩa là cho người khác 1 nửa số tiền mình có .. wow! Kết luận của họ là con người thật sự có lòng thương người, trung bình họ cho đi 20% của số tiền họ nhận được. Đây có thể là tin xấu với các nhà kinh tế học truyền thống, vì lý thuyết của họ về Homo economicus đã bị phủ nhận, nhưng lại là tin tốt với tất cả mọi người khác .. đặc biệt là các tổ chức từ thiện và tổ chức tiếp nhận cứu trợ. Nghiên cứu này thậm chí còn nhận được giải Nobel.

Tuy nhiên một nhà khoa học khác, John List lại ko nghĩ như vậy. Ông lập luận rằng đời ba mẹ ông đến giờ chưa bao giờ thấy ai gõ cửa nhà và cho một xấp tiền cả, trong khi theo thí nghiệm thì ai cũng rõ ràng thể hiện khuynh hướng cho người khác tiền một cách vô danh mà. Rồi ra đời, đi làm, chứng kiến những bất công, cảnh con người đối xử tệ bạc với nhau làm ông tự hỏi có đúng là dòng máu bác ái thật sự chảy trong con người không? Vẫn biết rằng nghiên cứu trên được đánh giá rất cao, nhưng biết đâu kết luận của nó là sai.

Ông quay lại trò chơi ban đầu, chỉ đổi nó như sau .. người chơi vẫn có thể đưa cho 1 người khác $10 hoặc $2, hoặc bao nhiêu cũng được, hoặc là lấy $1 từ người đó. Nếu người chơi thật sự thương người thì cách thay đổi này chẳng ảnh hưởng gì cả, có chăng chỉ là nhóm người keo kiệt nhất quyết định ko cho đồng nào từ đầu. Nhưng lần này, chỉ 35% người chơi đưa tiền cho người kia, trong đó 45% ko đưa đồng nào và 20% thậm chí còn lấy của bạn $1.

Trời, vậy lòng thương người đi đâu mất tiêu rồi?

Trò chơi ko dừng ở đó .. đổi tiếp như sau .. giả sử bạn biết rằng người bạn kia cũng nhận được $20 như mình. Bạn có 2 lựa chọn, hoặc là lấy hết tiền của bạn, hoặc là đưa cho bạn một phần tiền của mình, bao nhiêu cũng được. Đến lần này, chỉ còn 10% đưa tiền cho bạn, và hơn 60% lấy tiền của bạn, trong đó hơn 40% lấy sạch tiền của bạn luôn. Dưới các thí nghiệm của John List, một nhóm thương người giờ tự nhiên biến thành nhóm trộm cắp.

Vì vậy, kết luận của John List qua các thí nghiệm là chúng ta đã hiểu sai các dữ liệu trước đó .. cái chúng ta thấy ko phải là lòng thương người! Tại sao vậy?

Ah, nếu là Hiền thì câu trả lời đơn giản như sau .. trong trò chơi đầu tiên, tự nhiên đâu đâu Hiền được $20 .. đưa bạn $10, hay đưa bạn $2? Well, tiền trên trời rơi xuống, đưa $2 thì mất công mang tiếng xấu, trong khi đưa $10 thì mình vẫn còn được $10, lại được thêm tiếng thơm .. mà cái tiếng thơm này thì extra $8 chưa chắc mua được. Đó, cái đó là vị kỷ, ai nói là lòng thương người?

Bởi vậy các thí nghiệm được thực hiện rất dễ bị thiên lệch do nhiều yếu tố. Ví dụ như selection bias nè (ý là những người đồng ý đến phòng lab thực hiện thí nghiệm đa số là sinh viên, nên họ vốn đã có khuynh hướng hay làm việc tốt rồi .. còn nếu họ là người ko muốn làm việc tốt thì họ chẳng đến làm chi .. nên những người chơi ko thể hiện cho cả dân số được). Rồi tại do có người quan sát nè .. yếu tố này khá quan trọng, vì hành vi con người thay đổi ngay khi họ biết được họ có thể bị quan sát, dù chỉ là nhỏ nhặt nhất .. bạn ko dám vượt đèn đỏ khi bạn nghi là có công an núp lùm nè, bạn sẽ rửa tay sau khi đi vệ sinh nếu lúc đó trong phòng vệ sinh cũng có người khác nè …

Vì vậy, việc cho đi được các nhà kinh tế học gọi là lòng bác ái ko thuần khiết (impure altruism). Bạn cho đi ko phải vì bạn muốn giúp đỡ, mà là vì nó làm cho bạn thấy mình tốt, thấy vui, hoặc có thể thấy mình ít tệ hơn xíu. Ví dụ như việc cho ăn xin chẳng hạn .. đa số người cho tiền ăn xin chỉ bởi vì bề ngoài tội nghiệp của người ăn xin làm họ cảm thấy mình ko thoải mái, hoặc tội lỗi (vì mình được may mắn hơn). Vì vậy, người ta thường băng qua đường để tránh người ăn xin, chứ hiếm khi qua đường để cho ăn xin. Và Hiền thì cá là trong trường hợp thứ 2, đó là một con đường đông đúc với nhiều người nhìn.

Thật ra suy cho cùng, nghiên cứu của John List chỉ là để chứng minh rằng câu hỏi “Con người có thật sự thương người ko?” ko phải là một câu hỏi nên hỏi. Con người ko phải là “tốt” hay “xấu”. Con người là con người, và họ phản ứng theo động cơ được trao. Ta luôn có thể điều khiển hành vi của họ – tốt hơn, hay xấu đi – miễn là ta tìm được động cơ đúng.

Vì vậy, con người có thể hành động rộng lượng, quên mình, hay thậm chí dũng cảm được ko? Chắc chắn rồi. Con người cũng có thể hành động tàn nhẫn, vô lương tâm ko? Đương nhiên!

Hiền tin đây là câu trả lời tốt nhất cho vụ bàn luận về cái “tâm” trong ngành giáo dục trong phần comment của blog Hiền viết về cuộc sống Ph.D. Hiền là true believer cho việc con người hành động theo lợi ích cá nhân, nhưng đôi khi cái lợi ích cá nhân đó nó khó thấy hơn mình nghĩ, và rõ ràng ko phải lúc nào cũng liên quan đến tiền. Nói vậy ko có nghĩa là điều đó là xấu, nó chỉ là bản chất của con người thôi.

——————————————————–

Sách còn bàn đến nhiều vấn đề khá thú vị (về hiện tượng trái đất nóng lên nè, về khủng bố nè), nhưng dài quá rồi, Hiền làm biếng viết 😀 Hiền nói rằng Hiền thích quyển này hơn quyển “What the Dog Saw” của Malcolm Gladwell là vì Hiền thấy nó gần gũi với mình hơn. Công lớn nhất, theo Hiền, của tác giả là từ những bài báo nghiên cứu khô khan của Economics, họ đã truyền cho nó một câu chuyện sinh động, gắn liền với cuộc sống của độc giả, giúp cho các nghiên cứu của giới học thuật được mọi người biết đến nhiều hơn. Trong lớp học Econometrics, Hiền đã được đọc bài báo gốc của nghiên cứu về sự gian lận trong giới sumô của Nhật, một phần khá thú vị trong quyển Freakonomics. Khỏi cần phải nói bài báo đó khô khan cỡ nào, khó hiểu cỡ nào và Hiền mau chóng quên nó cỡ nào 😛 Âu đó cũng là thành công của tác giả rồi.

Về nhiều mặt thì Finance và Economics khá gần gũi nhau, quyển sách này tạo ý tưởng cho Hiền viết về quá trình nghiên cứu trong Finance. Chờ blog sau vậy 🙂

PS: Quay trở lại vụ án cửa toilet ở đầu .. chiều nay Hiền đi ngang qua 2 cái toilet khác cách chỗ cũ khoảng 100m, thấy 2 cái cửa hoàn toàn bình thường, đều là đầy vào .. tự cười mình, lâu lâu cứ thích suy nghĩ bâng quơ 😀 Lời giải thích có thể là lúc đó hết cửa đầy vào nên người ta lắp cửa kéo ra, hoặc cấu trúc tòa nhà chỗ đó thì gắn cửa thế này lợi và an toàn hơn gắn cửa kiểu khác .. nhưng ít nhất bây giờ mình biết đây ko phải là một tiêu chuẩn rộng khắp theo kiểu như toilet nữ thì hình phụ nữ còn toilet nam thì hình đàn ông vậy 😀

8 Responses to “Đọc Superfreakonomics và suy nghĩ …”

  1. Anonymous said

    hehe

  2. Vy said

    very good Hiền. Ngồi đọc 1 lèo luôn. Chờ khi nào cuốn sách này có ở VN thì phải mua ngay 😀

  3. Sonny said

    Chào chị Hiền, em tình cờ tìm kiếm về cuốn SuperFreakonomics thì vào blog của chị. Những bài review sách của chị rất hay, đọc cực kỳ thú vị. Hiện em đang có 1 project về trang bán sách ngoại văn trực tuyến Tiki.vn. Em muốn xin phép chị được sử dụng những bài review này để giới thiệu đến những bạn đọc yêu sách ngoại văn trên Tiki.vn không biết có được không? Xin chân thành cảm ơn chị. Ngoài ra vì em cũng rất mê sách, nên nếu có dịp, hy vọng sẽ được trao đổi với chị thêm.
    Thân.

    • Chào em,

      Rất vui vì em thích những bài review sách của chị. Em cứ thoải mái sử dụng những bài viết trên blog này trong trang web của em, miễn là có trích nguồn và dẫn link đàng hoàng.

      Nếu em thấy hứng thú với quyển sách nào thì giới thiệu cho chị đi, chị đọc thử rồi mình bàn luận 🙂

  4. Sonny said

    Cảm ơn chị nhiều. Em đã đăng bài của chị trên Facebook Fanpage của Tiki để chia sẻ với các fan yêu sách ngoại văn như mình.

    http://www.facebook.com/note.php?saved&&suggest&note_id=114088955281485&id=169171922768#!/notes.php?id=169171922768

    Hôm nào rảnh em sẽ trích đăng thêm nữa chị nhé. Mấy bài review của chị toàn hay ko à. 🙂

  5. Hello, i think that i saw you visited my website
    thus i got here to go back the desire?.I am attempting to to
    find issues to enhance my site!I assume its adequate to make use of
    a few of your ideas!!

  6. I’m extremely impressed with your writing skills and also with the layout on your weblog. Is this a paid theme or did you customize it yourself? Anyway keep up the nice quality writing, it’s rare to see a nice blog
    like this one nowadays.

Leave a reply to Thu Hien Nguyen Cancel reply